Trận chiến Trận_Dunkerque

"Đánh lùi về phía tây"

Ngày 26 tháng 5, Anthony Eden đã nói với Gort rằng có thể cần phải "đánh lùi về phía tây", và ra lệnh cho ông ta chuẩn bị kế hoạch sơ tán, nhưng không báo cho người Pháp hay người Bỉ biết. Gort đã đoán trước được mệnh lệnh này và đã có trong tay những kế hoạch sơ bộ. Một kế hoạch tương tự đầu tiên cho tuyến phòng thủ dọc theo sông đào Lys đã không thể tiến hành do cuộc tiến quân của Đức đến ngày 26 tháng 5 đã khiến các sư đoàn bộ binh số 2 và số 50 của Anh bị ghìm chặt, còn sư đoàn bộ binh số 1, 5 và 48 đang bị tấn công dữ dội. Sư đoàn Bộ binh số 2 Anh chịu thương vong nặng nề trong khi cố gắng giữ một hành lang mở, giờ lực lượng đã tụt xuống ngang cấp lữ đoàn nhưng họ đã thành công; các sư đoàn bộ binh số 1, 3, 4 và 42 Anh chạy thoát qua hành lang này trong ngày hôm đó, cùng với 1/3 Tập đoàn quân số 1 Pháp. Trong khi bị đẩy lùi, quân Đồng Minh đã tự vô hiệu hóa các khẩu pháo và xe cộ, cũng như phá hủy các kho hàng của chính mình.[15][16][17]

Ngày 27 tháng 5, quân Anh vừa đánh vừa lùi về đến tuyến phòng thủ ngoại vi Dunkerque. Cùng ngày hôm đó diễn ra vụ thảm sát Le Paradis khi Sư đoàn SS Totenkopf số 3 xả súng máy vào 97 tù binh Anh ở gần sông đào La Bassée. Các tù binh này vốn thuộc Tiểu đoàn 2, Trung đoàn Norfolk Hoàng gia, Lữ đoàn Bộ binh số 4, Sư đoàn số 2 của Anh. Quân Đức đã bắt họ xếp hàng dựa vào tường một kho thóc và bắn; chỉ có hai người sống sót. Trong lúc đó, không quân Đức đã thả bom và tờ rơi xuống các đội quân Đồng Minh. Những tờ rơi này có vẽ bản đồ tình hình bằng tiếng Anh và tiếng Pháp: "Hỡi các binh lính Anh! Hãy nhìn vào bản đồ: nó cho thấy hoàn cảnh thực sự của các người! Quân đội các người đã hoàn toàn bị bao vây – hãy ngừng chiến đấu! Hạ vũ khí đi!". Binh sĩ Đồng Minh hầu như toàn dùng chúng để làm giấy vệ sinh. Đất liền và bầu trời bị Đức Quốc xã khống chế, và biển dường như là một rào cản không thể vượt qua, nên họ thực sự có nghĩ rằng mình đã bị bao vây; nhưng người Anh lại xem biển như một con đường để thoát hiểm.[18][19]

Cũng như bom của không quân, pháo binh hạng nặng Đức (vừa mới vào tầm bắn) cũng nã đạn dữ dội vào Dunkerque. Cho đến lúc này, trong thành phố đã có 1.000 thi thể của thường dân là nạn nhân. Cuộc pháo kích này vẫn tiếp tục cho đến tận khi cuộc sơ tán kết thúc.[16]

Trận Wytschaete

Tướng Đức Fedor von Bock

Gort đã phái tướng Ronald Forbes Adam đến trước để xây dựng tuyến phòng thủ ngoại vi quanh Dunkerque. Tướng Alan Brooke sẽ cầm chân quân địch với các sư đoàn bộ binh số 3, 4, 5 và 50 dọc theo sông đào Ypres-Comines cho đến sông Yser trong khi phần còn lại của BEF rút lui. Trận Wytschaete là trận chiến khó khăn nhất mà Brooke phải đối mặt khi thực hiện nhiệm vụ này.[20]

Ngày 26 tháng 5, quân Đức tiến hành trinh sát có hỏa lực vào các vị trí của Anh. Đến trưa ngày 27, họ mở cuộc tấn công toàn diện với 3 sư đoàn ở phía nam Ypres. Một trận hỗn chiến liền nổ ra trong điều kiện tầm nhìn kém do địa hình rừng hoặc thành thị, và điều kiện liên lạc kém bởi quân Anh lúc đó không sử dụng radio ở cấp dưới tiểu đoàn còn đường dây điện thoại đã bị cắt. Phía Đức sử dụng chiến thuật đột nhập để len vào giữa quân Anh và đánh lui họ.[21]

Cuộc chiến ác liệt nhất diễn ra ở khu vực của Sư đoàn số 5 Anh. Đến ngày 27 tháng 5, Brooke đã lệnh cho thiếu tướng Bernard Montgomery mở rộng trận tuyến của Sư đoàn số 3 sang bên trái, qua đó giúp giải phóng các lữ đoàn bộ binh 10 và 11 thuộc Sư đoàn số 4 đi gia nhập Sư đoàn số 5 tại Messines Ridge. Lữ đoàn 10 đến trước và phát hiện quân địch đã tiến xa đến mức đang tiếp cận lực lượng pháo dã chiến Anh. Hai lữ đoàn Anh đã chặn vào giữa và xóa sổ mũi nhọn quân Đức, đến ngày 28 tháng 5 họ củng cố đứng vững an toàn tại phía đông Wytschaete.[22]

Cũng trong ngày hôm đó, Brooke đã hạ lệnh tiến hành một cuộc phản công với lực lượng xung kích gồm 2 đơn vị là Trung đoàn Bảo vệ Grenadier số 3 và Trung đoàn North Staffords số 2 (đều thuộc Sư đoàn số 1). Trung đoàn North Staffords tiến đến sông Kortekeer, còn trung đoàn Grenadier tiếp cận sông đào, nhưng không giữ nổi. Cuộc phản công đã làm gián đoạn đà tiến của Đức và câu thêm thời gian cho BEF rút lui.[23]

Chiến sự tại Poperinge

Tuyến đường rút từ vị trí của Brooke về Dunkerque có đi qua thị trấn Poperinge (người Anh hay gọi là "Poperinghe"), tại đây có một nút cổ chai tại cây cầu bắc qua sông đào Yser. Hầu hết các con đường chính trong khu vực đều hội tụ tại cầu này. Ngày 27 tháng 5, không quân ném bom gây tắc nghẽn giao thông suốt 2 tiếng đồng hồ, phá hủy hay làm kẹt cứng khoảng 80% xe cộ Đồng Minh. Không quân Đức tiến hành một cuộc tấn công khác trong đêm 28/29 tháng 5 dưới ánh sáng từ pháo sáng và cả từ các xe cộ đang cháy. Sư đoàn 44 đã phải từ bỏ và mất gần hết súng và xe tải trên đường từ Poperinge đến Mont.[24]

Sư đoàn Thiết giáp số 6 Đức đáng lẽ đã có thể hủy diệt Sư đoàn 44 Anh tại Poperinge ngày 29 tháng 5, qua đó cắt rời Sư đoàn số 3 và số 50. Có thể gọi là "đáng kinh ngạc" khi họ không làm thế, mà lại chuyển qua bao vây thị trấn Cassel ở gần đó.[25]

Bỉ đầu hàng

Gort ra lệnh cho tướng Anh Ronald Forbes Adam, tư lệnh Quân đoàn 3 và tướng Pháp Bertrand Fagalde chuẩn bị tuyến phòng thủ ngoại vi cho Dunkerque. Phòng tuyến này có hình bán nguyệt, với quân Pháp ở phía tây và quân Anh ở phía đông, chạy từ Nieuwpoort ở phía đông qua Furnes, BulskampBergues đến Gravelines ở phía tây. Trận tuyến này đủ mạnh để có thể chịu được áp lực, nhưng vào ngày 28 tháng 5, quân đội Bỉ bị áp đảo dữ dội trước các cuộc tấn công của Đức và vẫn nhận lệnh trực tiếp từ quốc vương Leopold - người đã từ chối từ bỏ quân lính và những người tị nạn Bỉ trong vùng đất còn chưa bị chiếm đóng còn lại của Bỉ, đã đầu hàng. Việc này làm lộ ra một khoảng hở rộng 32 km trên sườn phía đông của Gort, nằm giữa quân Anh và biển. Người Anh bất ngờ trước sự đầu hàng của nước Bỉ, mặc dù đã được quốc vương Leopold đã cảnh báo từ trước.[26][27] Là một vị vua lập hiến, quyết định của Leopold là đầu hàng mà không cần xin ý kiến chính phủ Bỉ đã khiến ông bị chỉ trích từ phía người Bỉ, thủ tướng Bỉ Hubert Pierlot và thủ tướng Pháp Paul Reynaud.

Quốc vương George VI của Anh đã gửi cho Gort một bức điện tín như sau:

Toàn thể đồng bào đang dõi theo với niềm tự hào và ngưỡng mộ sự kháng cự dũng cảm của Lực lượng Viễn chinh Anh trong cuộc chiến diễn ra liên tục hai tuần lễ vừa qua. Đối mặt với tình huống ngoài tầm kiểm soát trong một hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, họ đang thể hiện sự can đảm chưa từng có trong biên niên sử Lục quân Anh. Con tim tất cả chúng tôi tại quê nhà đang ở bên ngài và đội quân cừ khôi của ngài trong giờ phút nguy nan này.[26]

Gort đã phái các sư đoàn số 3, 4 và 50 - vốn đã hao mòn vì chiến trận - ra trận tuyến để vá lỗ hổng mà sự đầu hàng của người Bỉ tạo ra.[28]

Tuyến phòng thủ ngoại vi

Trong khi các đơn vị Anh còn đang hành quân vào vị trí, họ đã đụng độ Sư đoàn Bộ binh 256 Đức đang định đánh bọc sườn Gort. Xe thiết giáp thuộc Trung đoàn Lancers số 12 đã tự mình chặn quân Đức tại Nieuport. Một trận hỗn chiến nổ ra trên khắp phòng tuyến ngoại vi trong suốt ngày 28 tháng 5. Phía Anh dần tan rã và phòng tuyến dần dần bị đẩy lùi vào trong Dunkerque.[28]

Trong khi đó, các Sư đoàn Thiết giáp 4, 5, 7 cùng 4 sư đoàn bộ binh của Cụm Tập đoàn quân A đã bao vây 5 sư đoàn thuộc Tập đoàn quân số 1 Pháp ở gần Lille. Mặc dù bị cô lập hoàn toàn, nhưng quân Pháp dưới quyền tướng Jean-Baptiste Molinié vẫn chiến đấu 4 ngày trong Cuộc vây hãm Lille, cầm chân cả thảy 7 sư đoàn Đức không cho họ tấn công Dunkerque và cứu được khoảng 100.000 quân Đồng Minh.[28]

Tuyến phòng thủ ngoại vi đã cầm cự trong suốt 2 ngày 29–30 tháng 5, nhưng quân Anh cũng bị đẩy lui phần nào. Đến ngày 31, người Đức gần như đã đột phá tại Nieuport, và tình thế trở nên tuyệt vọng đến nỗi có 2 tiểu đoàn trưởng Anh đã phải đích thân vào vị trí điều khiển một khẩu Bren, cùng 1 viên đại tá bắn và 1 người khác nạp đạn. Vài tiếng đồng hồ sau, Tiểu đoàn 2 trung đoàn Coldstream Guards tức tốc đến tăng viện gần Furnes, nơi quân Anh đang tan tác. Họ tái lập được trật tự sau khi bắn vào một số lính bỏ chạy, rồi ép những người khác quay lại bằng lưỡi lê. Quân Anh trở lại trận tuyến và cuộc tấn công của Đức bị đánh lui.[29]

Đến buổi chiều cùng ngày, quân Đức đã chọc thủng phòng tuyến ở gần con sông đào tại Bulskamp nhưng mặt đất lầy lội phía bên kia sông cộng với hỏa lực lẻ tẻ của Trung đoàn Khinh binh Durham đã buộc họ dừng lại. Khi màn đêm buông xuống, phía Đức mở một cuộc tấn công khác vào Nieuport. 18 máy bay ném bom của Không quân Hoàng gia Anh đã phát hiện ra khi quân Đức còn đang tập hợp và đánh họ tan tác bằng một đợt không kích chính xác.[30]

Rút lui về Dunkerque

Cũng trong ngày 31 tháng 5, tướng Georg von Küchler (Tư lệnh Tập đoàn quân số 18 - Cụm Tập đoàn quân B) nắm quyền chỉ huy toàn bộ các lực lượng Đức tại Dunkerque. Kế hoạch của ông rất đơn giản: mở một cuộc tấn công toàn diện trên khắp trận tuyến vào lúc 11h00 ngày 1 tháng 6. Điều kỳ lạ là Von Küchler đã bỏ qua một thông điệp radio chặn bắt được, theo đó người Anh đã từ bỏ đoạn cuối phía đông phòng tuyến để lui về Dunkerque.[31]

Sáng ngày 1 tháng 6, trời quang đãng rất tốt cho máy bay hoạt động, trái hẳn với thời tiết xấu đã cản trở các chiến dịch của không quân Đức trong các ngày 30 và 31 tháng 5 (trong toàn chiến dịch chỉ có 2 ngày rưỡi thời tiết phù hợp cho máy bay). Mặc dù Churchill đã hứa với người Pháp rằng quân Anh sẽ yểm hộ cho họ rút lui, nhưng trên mặt đất chính quân Pháp mới là người giữ trận tuyến trong khi những người lính Anh còn lại sơ tán.

Chịu đựng hỏa lực pháo binh tập trung cùng với các đợt bắn phá và ném bom của không quân Đức, người Pháp vẫn giữ vững trận địa. Đến 2 tháng 6 (ngày mà các đơn vị cuối cùng của Anh lên tàu), quân Pháp mới bắt đầu từ từ rút lui, và tới ngày 3 tháng 6 thì quân Đức chỉ còn cách Dunkerque khoảng 3 km. Đêm 3 tháng 6 là đêm cuối cùng của cuộc sơ tán. Lúc 10h20 ngày 4 tháng 6, cờ chữ Vạn của Đức Quốc xã tung bay trên bến cảng nơi mà nhiều binh lính Anh, Pháp đã trốn thoát trong gang tấc.[32][33][34]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trận_Dunkerque http://www.britishpathe.com/record.php?id=84564 http://www.dynamo-dunkerque.com/ http://spitfiresite.com/2010/05/battle-of-britain-... http://www.historyofwar.org/articles/operation_dyn... http://news.bbc.co.uk/1/hi/uk/8701830.stm http://news.bbc.co.uk/2/hi/uk_news/8689964.stm http://www.bbc.co.uk/history/worldwars/wwtwo/dunki... http://www.bbc.co.uk/history/worldwars/wwtwo/dunki... https://commons.wikimedia.org/wiki/Category:Operat... https://books.google.com.vn/books?id=WjoiVWGQ9HYC&...